• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ tư - 01/06/2011 - (1,197 lượt xem)

Những "kỹ sư" trong áo blouse trắng

http://nld.com.vn/viec-lam/nhung-ky-su-trong-ao-blouse-trang-203599.htm

Những “kỹ sư” trong áo blouse trắng

28/09/2007 22:52

“Mong muốn của nhóm là sẽ tiếp tục đưa ra loại giường chuyển bệnh đa năng dành cho các xe cứu thương trong cả nước. Giường này sẽ bảo đảm các tính năng về thiết bị, có nút điều khiển thu gọn các chân giường lên khi được chuyển lên xe. Hy vọng công trình này sẽ góp phần giảm bớt rủi ro cho bệnh nhân trong quá trình chuyển viện hiện nay”- bác sĩ Đinh Tấn Phương nói.

Các bác sĩ Tăng Chí Thượng, Đinh Tấn Phương, Phạm Thị Thanh Tâm dù chỉ là những “kỹ sư” tay ngang, nhưng họ đã chế tạo những bộ giường sơ sinh đa năng thiết thực phục vụ bệnh nhi...

Có mặt tại phòng cấp cứu chuyên khoa 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, tôi cảm nhận hết những vất vả của các bác sĩ nơi tuyến đầu khi cấp cứu một bệnh nhi chưa tròn tháng tuổi bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết; một cháu bé vừa chào đời với hội chứng Down, suy tim... Dù mệt đừ nhưng bác sĩ Đinh Tấn Phương vẫn vui vẻ giới thiệu với tôi về những chiếc giường mà nhóm anh sáng chế: “Nhờ có chiếc giường này mà bệnh nhi được chuyển sang phòng hồi sức rất an toàn”. Tác giả của bộ giường sơ sinh đa năng là các bác sĩ Tăng Chí Thượng, Đinh Tấn Phương và Phạm Thị Thanh Tâm.

Từ chiếc giường hồi sức sơ sinh...

Cách đây 10 năm, khi Khoa Săn sóc tăng cường sơ sinh ra đời cũng là lúc Bệnh viện Nhi Đồng 1 gặp khó khăn về phương tiện, nhất là giường dành cho trẻ. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện, nhớ lại: “Lúc ấy, là bác sĩ nội trú, tôi không khỏi bức xúc khi thấy những bệnh nhi sơ sinh phải nằm điều trị trong những chiếc giường “to đùng” lạnh lẽo, không phù hợp với kích cỡ. Nếu mua giường ngoại thì chi phí khá cao (hơn 10.000 USD/chiếc) vượt quá khả năng đầu tư của bệnh viện”.

Những trăn trở ấy đã khiến người thầy thuốc mới tròn 30 tuổi đời quyết định phải chế tạo những chiếc giường ấm cúng, đầy đủ phương tiện cho bệnh nhi sơ sinh. Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh, cũng là người bạn đời của bác sĩ Thượng, kể: “Cứ tối đến là anh ấy lại ngồi vào bàn, phác thảo chiếc giường. Hơn một tuần miệt mài làm việc, anh ấy đã cho ra đời bản vẽ chiếc giường với kích thước phù hợp với trẻ sơ sinh, có thành giường, hộc, bàn viết đựng hồ sơ, bệnh án...”. Có phác thảo trong tay, bác sĩ Thượng đã mời thêm các đồng nghiệp của mình là bác sĩ Đinh Tấn Phương và Phạm Thị Thanh Tâm tham gia công trình.

Những ngày sau đó, các bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng sau giờ làm việc bỗng biến thành những kỹ sư tay ngang mày mò phục vụ cho sáng kiến. Bác sĩ Thượng kể: “Sau nhiều lần điều chỉnh bổ sung các chi tiết như vị trí để máy hồi sức, máy bơm tiêm, máy đếm giọt, dụng cụ sát trùng tay nhanh, chỗ gắn đèn... chúng tôi đưa chiếc giường đa năng sang cơ sở sản xuất thăm dò giá. Khi nhận được báo giá, cả nhóm bất ngờ vì chi phí mỗi chiếc chỉ mất 3 triệu đồng”. Những chiếc giường cấp cứu sơ sinh đã ra đời như vậy.

Đến giường chuyển bệnh sơ sinh đa năng

Năm 2006, Khoa Hồi sức sơ sinh ra đời. Tuy nhiên, khoa nằm khá sâu trong khuôn viên bệnh viện khiến việc chuyển viện của bệnh nhi gặp khó khăn. Một lần nữa nhóm “kỹ sư tay ngang” lại cùng nhau đưa ra ý tưởng tiếp tục sáng chế giường chuyển bệnh đa năng cho trẻ. Vốn là bác sĩ cấp cứu, bác sĩ Phương thấu hiểu: Đoạn đường chuyển viện xa, bệnh nhi sơ sinh phải dùng băng ca của người lớn là không phù hợp. Trên băng ca lại không có máy thở ôxy cùng các thiết bị. Việc chuyển viện như thế khiến môi trường thay đổi đột ngột, trẻ dễ bệnh hơn.

Từ những suy nghĩ đó, nhóm đã cử bác sĩ Đinh Tấn Phương trực tiếp thực hiện ý tưởng. Sau mỗi ca trực, bác sĩ Phương lại chạy vội đến các chợ Nhật Tảo, Dân Sinh tìm mua những thiết bị inox, mica phục vụ sản xuất. Anh kể: “Chỉ riêng việc làm khóa an toàn để khi giường được chuyển lên xe điện không bị vướng đã mất cả tuần. Còn để có được những bánh xe không bị mòn khi vận chuyển, tôi phải xuống tận cầu Chà Và để mua loại inox tốt nhất”.

Chị Lê Thị Hồng Linh, điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, nhận xét: “Trưa nào bác sĩ cũng ở lại làm giường. Có hôm cầm hộp cơm lên, chưa kịp ăn, nghe bên cơ sở gia công gọi, bác sĩ liền chạy đi. Đến chiều, chợt nhớ ra thì hộp cơm đã nguội lạnh”. Sau 3 tháng làm việc miệt mài, chiếc giường chuyển viện sơ sinh ra đời với khung bằng inox, thành giường bằng mica, chân có 4 bánh di chuyển dễ dàng. Giường có nút điều khiển có thể nâng lên hạ xuống an toàn, có 4 trụ treo dịch truyền, máy thở ôxy, bình sát trùng tay nhanh... rất an toàn cho bệnh nhi.

Hết lòng vì bệnh nhi

Mười năm trôi qua, hơn 100 chiếc giường hồi sức, giường chuyển bệnh sơ sinh đa năng ra đời đã giúp cấp cứu, chuyển bệnh kịp thời, an toàn; góp phần hạ tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong từ 12% xuống còn 3%. Với công trình này, nhóm tác giả không chỉ đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TPHCM năm 2006 mà còn đoạt luôn giải nhất cuộc thi Sáng tạo cấp toàn quốc. Nhiều bệnh viện trong cả nước cũng đặt hàng mua những chiếc giường này.

Chiếc xe điện và giường chuyển bệnh sơ sinh đa năng - công trình sáng tạo của nhóm

 

Những bác sĩ là những nhà sáng chế mà tôi gặp, là những người đầy nhiệt huyết với nghề. Trong lúc đời sống còn không ít khó khăn, nhưng họ đã gạt đi nhiều lời mời từ các phòng khám tư với mức lương cao ngất để bám trụ, dùng sáng kiến làm lợi hàng tỉ đồng cho bệnh viện. Nếu như bác sĩ Đinh Tấn Phương thành công với việc cải tiến chiếc xe bug-gi từ sân golf thành xe điện chuyển bệnh từ cấp cứu lên các phòng khoa hay chế tạo thành công thước đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dây đai an toàn cho cấp cứu thì giám đốc Tăng Chí Thượng đã có công cải tiến, đưa bệnh viện phát triển theo hướng chuyên sâu: hạ thấp bệnh tử vong trẻ sơ sinh, tim bẩm sinh và các bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ. Bác sĩ trẻ Hồ Tấn Thanh Bình, Khoa Hồi sức sơ sinh, nhận xét: “Các bác sĩ ấy dù ở cương vị nào cũng hết lòng vì sự phát triển chung của bệnh viện. Họ chính là tấm gương cho lớp trẻ chúng tôi noi theo”.

Hơn 4.500 sáng kiến, đề tài khoa học làm lợi trên 56 tỉ đồng

Sáng 28-9, LĐLĐ TPHCM đã phát động Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật năm 2007. Các lĩnh vực của hội thi bao gồm công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông, cơ khí và tự động hóa, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên và công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, đã đề cao giá trị sáng tạo của CNVC-LĐ TP và đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp tích cực tạo điều kiện cho CNVC-LĐ tham gia phong trào lao động sáng tạo và hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Dịp này, LĐLĐ TPHCM đã trao bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho 38 cá nhân và khen thưởng 16 tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động lao động sáng tạo. Trong năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007, thông qua hoạt động này, CNVC-LĐ TPHCM đã có 3.950 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và 655 đề tài khoa học làm lợi hơn 56,276 tỉ đồng. Đặc biệt, trong 79 giải pháp được chọn dự hội thi cấp TP, có hai giải nhất, một của BS Nguyễn Thành Như - Bệnh viện Bình Dân và một của nhóm BS Tăng Chí Thượng, Đinh Tấn Phương, Phạm Thị Thanh Tâm của BV Nhi Đồng 1.

N. Dương

 

 

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả