TS BS Nguyễn Thành Như - tsbsnguyenthanhnhu@gmail.com
Nghe đến cái từ “Nam khoa” là hết 99,99% người nghe nghĩ ngay đến chuyện “yếu yếu” của đàn ông. Thật ra nam khoa đâu chỉ có vậy mà nó bao trùm nhiều chuyện khác còn hay hơn hoặc chí ít cũng hay bằng cái chuyện “xìu xìu” đó.
Nam khoa hay Nam học ?
Có người thì gọi là nam khoa (đa số ở miền Nam), có người thì gọi là nam học (thường ở miền Bắc). Gọi gì thì gọi, cả hai đều được dịch từ chữ Andrologie (tiếng Pháp), hay Andrology (tiếng Anh), hay tiếng Đức, tiếng Nga, Tây Ban Nha gì cũng đều na ná như vậy. Trong đó “Andro” nghĩa là “nam”, còn “logy” là một ngành khoa học, nên Andrology là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về bệnh đàn ông. Một phần do chịu ảnh hưởng của các thầy của tôi (GS Ngô Gia Hy, BS Nguyễn Văn Hiệp), nên tôi gọi là Nam Khoa; một phần do tôi thấy ngành y học chuyên về bệnh phụ nữ được gọi là “Phụ khoa” (Gynecology), chứ không thấy ai viết hay gọi là Phụ học nên tôi cho rằng gọi là nam khoa sẽ đúng hơn, êm tai hơn.
Thật ra, có chuyên ngành “Phụ Nữ học”, chuyên nghiên cứu về phụ nữ nói chung, có tính chất xã hội hơn là y khoa, nên từ nam học có lẽ nên dành cho ngành xã hội học chuyên nghiên cứu về đàn ông nói chung.
Sơ lược lịch sử phát triển của nam khoa.
Thời xưa, một bác sĩ làm đủ mọi thứ (đa khoa), vừa khám bệnh, vừa mổ, vừa gây mê, vừa đỡ đẻ, vừa làm thí nghiệm, kể cả pha chế thuốc. Sức người có hạn, xã hội ngày càng phát triển thì y học cũng phát triển theo và đến một lúc nào đó, nếu cứ là bác sĩ đa khoa mãi thì không thể trị dứt một số bệnh đặc biệt, nên nhiều chuyên ngành y khoa xuất hiện và nhiều bác sĩ trở thành bác sĩ chuyên khoa. Từ cuối thế kỷ 19, các chuyên khoa như nhi khoa, sản phụ khoa dần dần ra đời, còn nam khoa thì vẫn còn ẩn mình đâu đó. Không rõ vì đàn ông không được ưu ái như phụ nữ và trẻ em hay vì đàn ông che dấu bệnh tật của mình (sợ bị chê yếu) nên nam khoa chẳng phát triển sớm và rầm rộ như phụ khoa.
Thật ra, nam khoa ẩn mình không xa mà nằm ngay trong lòng niệu khoa (Urology). Niệu khoa chuyên trị các chứng bệnh về thận và bàng quang (sỏi, bướu thận…) cho cả hai phái nam và nữ, đồng thời cũng trị luôn cả bệnh thuộc cơ quan sinh dục nam, tức nam khoa, còn dành phần bệnh cơ quan sinh dục nữ cho sản phụ khoa. Trước đây, cho tới cả ngay bây giờ và nhiều năm sau nữa, các bác sĩ niệu khoa cũng đồng thời là bác sĩ nam khoa. Các sách vở dạy về niệu khoa đều có các chương viết về nam khoa như vô sinh nam, rối loạn cương.
Mãi tới những năm 1930, từ nam khoa mới được nhắc đến nhiều trong y giới. Dần dần, đến những năm 1960 nam khoa mới được thừa nhận và bắt đầu xuất hiện những cuốn sách giáo khoa y khoa với tựa đề là “Andrology”, còn khiêm tốn và vẫn chưa tách hẳn khỏi niệu khoa, đa số là do các nhà niệu khoa viết.
Nam khoa là gì ?
Nói một cách cụ thể thì nam khoa bao gồm hiếm muộn và vô sinh nam, trục trặc tình dục nam (như rối loạn cương, gọi nôm na là bất lực, xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, không xuất tinh, không ham muốn tình dục, xuất tinh đau…), nội tiết sinh dục nam như hội chứng suy tuyến sinh dục nam ở người lớn tuổi hay còn gọi là mãn kinh ở đàn ông, dị tật bộ sinh dục nam, chấn thương bộ sinh dục nam, các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới, các rối loạn giới tính như lưỡng giới giả, lưỡng giới thật, chuyển giới tính, đồng tính luyến ái…., và gần đây, sách vở chuyên ngành nam khoa còn lấn sân sang cả lĩnh vục tình dục nữ.
Qua phần mở rộng nầy, cho thấy có nhiều nhà chuyên khoa y khoa “xía phần” vào nam khoa. Trước hết, như đã trình bày bên trên, là các bác sĩ niệu khoa, vẫn là “hạt nhân”, những người trị bệnh nam khoa không chỉ bằng lời nói (để giải thích), bằng thuốc mà nhất là còn xài dao mổ để làm đủ thứ: chỉnh giống (sửa dương vật), trị vô sinh nam, gắn dương vật mới…. Kế đến là các nhà nội tiết; làm nam khoa mà nội tiết sinh dục không “chắc tay” một chút là coi như mất đi một nửa vũ khí. Các bác sĩ phụ khoa chuyên về vô sinh cũng xí một suất trong nam khoa, chính họ là những người thực hiện chuyện thụ tinh trong ống nghiệm. Các bác sĩ da liễu, các nhà tình dục học, tâm lý học và kể cả tâm thần học cũng góp công trong sự phát triển của Nam khoa vì đàn ông coi to khoẻ vậy chứ mà yếu lắm, bệnh một chút (mà nhất là bệnh ngay chổ hiểm) là đâm ra âu tư, lo lắng, thậm chí “man man” nữa.
Nam khoa và tình dục học là một ?
Không hề, tuy là anh em một nhà nhưng mỗi “đứa” lại chuyên trị một thứ. Nam khoa trị nhiều thứ hơn (đã kể bên trên), nghiêng về động thủ hơn, đao to búa lớn hơn (mổ xẻ), chuyên trị đàn ông; còn tình dục học chỉ chuyên một thứ là chuyện phòng the, chuyện tư thế kiểu cọ nọ kia, trị cả hai nguời nam và nữ.
Vậy còn chuyên khoa da liễu là gì? Có phải là nam khoa luôn không ?
Không. Cơ quan sinh dục nam cũng như mọi bộ phận khác đều có thể bị nhiễm trùng nầy nọ. Nhưng do cái tật hay la cà, nên bộ sinh dục nam dễ nhiễm những con vi trùng “độc” như giang mai, lậu, herpes… và mới đây là bệnh AIDS (virus HIV). Bác sĩ nam khoa mà trị những bệnh trên thì cũng không tệ, nhưng nếu chuyển giao qua cho bác sĩ da liễu trị thì chắc mau khỏi hơn.
Tương lai của nam khoa
Rất xán lạn. Xã hội ngày càng phát triển, khi người ta đã lo xong phần “ăn no, mặc ấm” rồi thì ai cũng muốn sống sao cho vui hơn, khỏe hơn, “chất lượng” hơn. Và khi tuổi thọ càng tăng thì số đàn ông lớn tuổi bị “trục trặc” càng nhiều, chưa kể những người muốn có con mọn, “vợ mọn” nữa. Cầu tăng, cung tất sẽ phải cố gắng để kịp đáp ứng. Nhiều loại thuốc kín đáo, hiệu quả, hứa hẹn hơn sẽ ra đời. Các phương pháp phẫu thuật mới cũng sẽ mang lại kết quả “tuyệt vời” hơn. Đó cũng là lập luận rất logic để có thể tin rằng, trong tương lai, Nam khoa sẽ ngày một phát triển.
Thêm nữa, khi xã hội càng tân tiến, kiến thức về sức khỏe giới tính tăng lên thì sự ngại ngùng trong mỗi người sẽ giảm đi. Những bệnh nhân lâu nay chỉ biết “ẩn mình chờ chết” sẽ vượt qua những mặc cảm bản thân, sẵn sàng đến gặp bác sĩ Nam khoa để “trần tình” những điều thầm kín, khó nói của bản thân. Tôi tin rằng, 10 - 20 năm nữa, có lẽ Nam khoa sẽ có chỗ đứng quan trọng trong tất cả các bệnh viện và các trường đại học. Lúc đó, có thể chuyện một cụ già chống gậy xin khám Nam khoa sẽ là chuyện bình thường, không làm ai cười tủm tỉm nữa.
Đường dẫn tôi đến với nam khoa.
Tôi là bác sĩ chuyên khoa niệu. Trong quá trình học nội trú niệu khoa tại bệnh viện Bình Dân, đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (1988 – 1992), tôi được các thầy (GS Ngô Gia Hy, GS Trần Văn Sáng, BS Nguyễn Văn Hiệp), các đàn anh chỉ dẫn về niệu khoa lẫn nam khoa. Trong thời gian học ở nước ngoài, tại các khoa niệu, tôi cũng được “luyện” luôn về nam khoa. Đặc biệt, tôi đăng ký học một chứng chỉ Nam khoa tại Strasbourg (AFSA en Andrologie = Attestation de Formation Specialisee Approfondie en Andrologie) trong 1 năm (1994 – 1995), do GS Michel (Pháp) hướng dẫn. TS Jurascheck ở Mulhouse (Pháp) đã hướng dẫn tôi những bước đầu tiên về tình dục nam. TS Wisard tại Lausanne, Thụy Sĩ, cũng đã chỉ tôi nhiều “tuyệt chiêu” như phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh, gắn thể hang giả. GS Gooren và TS Hage (Hà Lan) là những người có ảnh hưởng lớn với tôi về vấn đề phẫu thuật chỉnh sửa tạo hình bộ sinh dục, các vấn đề về giới tính như chuyển giới tính, đồng tính luyến ái….và nội tiết sinh dục nam.
Chính Ban Giám Đốc, và các thầy, các đàn anh, đồng nghiệp tại bệnh viện Bình Dân, là những người đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện nguyện vọng đào sâu và phát triển nam khoa. Bệnh nhân cũng chính là người Thầy của tôi và là động lực để tôi tiến sâu vào các ngóc ngách của chuyên ngành mới mẻ này. Các học trò của tôi và các đồng nghiệp xa gần là những người thực sự giúp nam khoa phát triển.
Tôi lập trang web www.namkhoa.com, không ngoài mục đích là bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, có thể cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp gần xa; giúp bệnh nhân giải tỏa phần nào những băn khoăn, thắc mắc thầm kín xung quanh các bệnh Nam khoa.www.namkhoa.com rất mong nhận được sự ủng hộ tích cực của quý độc giả, để góp phần cho Nam khoa sống mãi cùng thời gian, trở thành một chuyên ngành không thể thiếu được trong cuộc sống.
Kính gửi: TS BS Nguyễn Thành Như. Thưa Bác sĩ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Bác sĩ khuyên nên để...
Tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại – Sản, Đại học Y Dược TP. HCM năm 1988 (hạng Danh Dự). Được đào tạo...
Chào anh P. ! Dương vật cấu tạo chính là 3 ống: 2 ống thể hang và 1 ống thể xốp. Các ống này được...
Các câu hỏi có thể viết tiếng Việt, questions can be in English, on peut poser des questions en...
Kính chào Bác sỹ Nguyễn Thành Như! Lời đầu tiên vợ chồng em gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bác sỹ Như...
Ngô Gia Hy, Ngô Thanh Mai, Nguyễn Thành Như. Chấn thương niệu đạo trước: can thiệp sớm? Tập san Sinh...
Chào bác sỹ! Cháu đã hơn 30, người yêu cháu gần 50 tuổi. Cả hai đều quá bận với công việc, anh ấy...
Con xin chào Bác sĩ, con có vấn đề này xin Bác sĩ tư vấn giúp con. Chuyện là như thế này ạ, bữa...
(Nguồn: Tuổi trẻ online...
Kính gởi Bác sỹ Như, Em là Ph., bị giãn tĩnh mạch tinh và được mổ ngày 21/3 vừa qua. Mổ ba vết...